Các hãng hàng không, sân bay khát nhân sự kỹ thuật chất lượng cao, tạo nên cơ hội nghề nghiệp lớn, sinh viên ra trường thường có lương khởi điểm 15 triệu đồng.
Các hãng hàng không, sân bay khát nhân sự kỹ thuật chất lượng cao, tạo nên cơ hội nghề nghiệp lớn, sinh viên ra trường thường có lương khởi điểm 15 triệu đồng.
Tuy là một ngành học hot, nhiều cơ hội việc làm, nhưng học phí ngành Kỹ thuật hàng không lại cao hơn hẳn so với các ngành khác, có trường học phí ngành này lên tới cả trăm triệu.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, học phí ngành Kỹ thuật hàng không năm học 2023-2024 dao động từ 26-29 triệu đồng/năm học, kéo dài 5 năm. Điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 là 25,5, điểm chuẩn điểm đánh giá tư duy là 60.39.
Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM có học phí ngành Kỹ thuật hàng không khoảng 30 triệu đồng/năm. Năm 2023, điểm chuẩn ngành này là 59,94.
Tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, học phí chuyên ngành Kỹ thuật vận hành và Kỹ thuật bảo dưỡng học trong 3 năm, học phí 100 triệu đồng/năm; chuyên ngành Kỹ thuật bảo dưỡng và B1+B2 là 125 triệu đồng/năm. Nhà trường tuyển sinh theo học bạ kết hợp phỏng vấn.
Học viện Hàng không Việt Nam mới đây cho biết, mức học phí của tất cả các ngành đại học chính quy khóa 2024 (chương trình học bằng tiếng Việt) trong năm học 2024-2025 dự kiến là 13.200.000 đồng/học kỳ (15 tín chỉ), lộ trình tăng học phí không quá 10% mỗi năm. Đối với chương trình học bằng tiếng Anh, các học phần tiếng Anh nhân 1,5 so với hệ tiếng Việt.
Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật hàng không của Học viện Hàng không năm 2023 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 21,5 điểm, điểm chuẩn học bạ từ 26-27, điểm chuẩn đánh giá năng lực là 850.
Trong số các trường đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không năm 2024, chỉ có Học viện Hàng không Việt Nam là xét học bạ năm điểm sàn xét tuyển từ 18, thí sinh yêu thích ngành này có thể tham khảo.
TS Lê Thị Hồng Hiếu, Trưởng bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết ngành này là ngành học hot, được nhiều người quan tâm nhưng ít trường đào tạo. Cách đây 20 năm, nhận thấy Việt Nam là môi trường năng động, có tiềm năng phát triển ngành Kỹ thuật hàng không, đặc biệt là hàng không dân dụng thì 2 trường Đại học Bách khoa của Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo Kỹ thuật hàng không đầu tiên. Trong 10 năm gần đây mới có mới có thêm những trường khác do các trường nhận thấy việc đào tạo nhân lực kỹ thuật cho lĩnh vực hàng không dân dụng.
Ngành Kỹ thuật hàng không hiện nay được đào tạo ở một số trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Theo thống kê của Đại học Bách khoa Hà Nội, 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm với mức lương phổ biến từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 5/2023 ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ông Tạ Minh Trọng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết nhân sự trong ngành Kỹ thuật hàng không ở trình độ sơ đẳng với các công việc như thay dầu, bơm lốp có thể có mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng. Người có chứng nhận B1/B2, có thể ký xác nhận sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng thì mức lương lên đến hơn 50 triệu đồng, thậm chí cao hơn tùy theo trình độ, năng lực, khả năng ngoại ngữ…
Theo thông tin từ Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không bao gồm các nhóm môn cốt lõi cần thiết về nền tảng của kỹ thuật hàng không như Khí Động lực học, Cơ học bay và điều khiển bay, Kết cấu hàng không, Hệ thống lực đẩy, Thiết kế và bảo dưỡng máy bay. Các nhóm môn học này được phát triển trên nền tảng của các môn học cơ sở như cơ học lưu chất, cơ học vật rắn, sức bền vật liệu, điều khiển tự động…
Sinh viên được trang bị khả năng tự tìm tòi nghiên cứu, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo và khả năng thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) chuyên ngành.
Chương trình đào tạo các sinh viên thành những kỹ sư có tay nghề cao với mảng kiến thức nền rộng, có chất lượng và có kỹ năng vững vàng trong các hoạt động sau: Quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì và sửa chữa máy bay; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại máy bay nhỏ và các phương tiện giao thông lưỡng dụng (thuỷ phi cơ, tàu đệm khí…); ứng dụng kiến thức kỹ thuật hàng không trong các lĩnh vực liên quan: kỹ thuật hàng hải, năng lượng tái tạo, cơ khí, điều khiển tự động, xây dựng…
Cơ hội nghề nghiệp bao gồm các công việc trong lĩnh vực quản lý điều hành hoạt động bảo dưỡng máy bay, nghiên cứu thiết kế các thiết bị bay (máy bay nhỏ, máy bay không người lái…), tư vấn thiết kế cơ khí, các hệ thống năng lượng và quy trình sản xuất…
Ngành Kỹ thuật hàng không là ngành học có cơ hội việc làm rộng mở với mức thu nhập tốt. Ảnh minh họa: Học viện Hàng không Việt Nam